Tết trong Kinh Thành Huế qua tư liệu người Pháp (năm 1886)

Vào dịp Tết năm 1886, Pháp áp lực vua Đồng Khánh phải tổ chức một buổi lễ đầu năm để đón tiếp tư lệnh quân đội Pháp và khâm sứ ở Huế, nhằm biểu thị sự hợp tác giữa đôi bên. 

Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi rời kinh thành để kêu gọi kháng chiến, thực dân Pháp đưa Đồng Khánh, con nuôi vua Tự Đức lên ngôi.

Vào dịp Tết năm 1886, Pháp áp lực vua Đồng Khánh phải tổ chức một buổi lễ đầu năm để đón tiếp tư lệnh quân đội Pháp và khâm sứ ở Huế, nhằm biểu thị sự hợp tác giữa đôi bên.

 Theo thỉnh cầu, Bác Sĩ Édouard Hocquard được phép theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp đến Việt Nam. Ông rời cảng Toulon, ở miền Nam nước Pháp, nơi nhìn ra Địa Trung Hải, vào hôm 11 Tháng Giêng, 1884, trên chiếc tàu vận tải Annamite và đến vịnh Bắc Kỳ vào ngày 15 Tháng Hai. Sau một thời gian lưu lại ở miền Bắc, ông có dịp tới kinh đô Huế lần đầu tiên đúng vào dịp Tết Bính Tuất, tức năm 1886. Với sự hướng dẫn của cha Hoàng, thông ngôn chính thức của triều đình, ông có cơ hội được chứng kiến nghi lễ ở triều đình trong ngày đầu năm và có thuật lại trong cuốn “Une Campagne au Tonkin,” tức “Một Chiến Dịch ở Bắc Kỳ,” in ở Paris vào năm 1892.

 

Bác Sĩ Édouard Hocquard (1853-1911)

Tường thuật dưới đây trích một phần của chương 23, phần liên quan đến biến cố này, nơi người đọc sẽ được sống lại với một hình ảnh cụ thể và sinh động về những nghi thức trong ngày Tết tại triều đình.

*****

Cảnh một ngày lễ với đầy cờ xí Bác Sĩ Hocquard chứng kiến vào thời gian ở Bắc Kỳ.

Huế trong thời gian gần ngày đầu năm của Việt Nam

Sáng hôm đó, thành phố Huế như mở hội. Trong gần một tháng, người bản xứ, từ giàu đến nghèo, đều ngưng mọi công việc để chỉ ăn uống và vui chơi. Không có buôn bán, không làm việc ngoài đồng, không có công việc lao động nặng nhọc. Người lớn và trẻ em đều mặc quần áo ngày hội. Người nghèo bán hết đồ họ có hoặc vay nợ để kiếm tiền vui chơi. Công sở bắt đầu đóng cửa từ ngày 25 của tháng thứ 12 âm lịch, mọi công việc của chính phủ đều ngưng lại, không có giấy tờ chính thức nữa, hộp đựng con dấu được đóng lại cho đến ngày thứ 11 của tháng đầu năm sau. Dân thường chỉ nghỉ ba ngày, những ngày còn lại họ phải hầu hạ người giàu, nhưng bù lại họ được trả công cao hơn, vì số người làm việc này không nhiều nên họ có thể mặc cả với giá cao.

 Nhà nhà đều đóng cửa, nếu không có tiếng pháo và tiếng nhạc thì thành phố tuyệt nhiên trông như một thành phố chết. Nhà giàu và quan lại mặc lễ phục đi thăm hỏi nhau, họ trao đổi thiệp hồng và lễ vật. Tết cũng là ngày hội đối với trẻ con. Sau những lời chúc tụng người lớn, chúng được nhận những đồng tiền gói trong giấy hồng.

Sông Hương nhìn lên hướng thượng nguồn. Bên phải là Kinh Thành Huế, có thể nhìn thấy cửa Thượng Tứ và cột cờ Phu Văn Lâu, bên trái sông là nơi có đặt Tòa Khâm Sứ Pháp. Thuở ấy chưa có cầu Tràng Tiền.

Màu đỏ hiện diện khắp nơi, đó là màu chỉ niềm vui. Trước mỗi nhà, người ta trồng những cây tre lớn còn cả lá. Có những cột, trên ngọn trang trí với những lá dừa hay lông gà. Vào buổi tối, đèn lồng đủ màu được treo thêm. Những cột này dành cho tổ tiên hay cha mẹ đã khuất bóng. Người ta tin rằng linh hồn họ mỗi năm trở lại viếng thăm và che chở cho gia đình. Các cây cột giúp họ nhận ra nhà của con cháu để dừng lại mà không đi lạc qua nhà khác.Trước ngạch cửa nhà, người ta dùng vôi vẽ lên mặt đất những hình cung tên. Tập quán này nhắc lại truyền thuyết về cuộc chiến giữa Phật và ma quỉ. Có nhà người ta đặt trước cửa cây xương rồng và cành gai để ngăn tà ma khỏi vào quấy phá trong các ngày lễ. Ở phía bên trái mặt tường của cửa ra vào, người ta dựng một bàn thờ nhỏ cúng thần cửa, được đốt nến, thắp hương, còn nhà giàu hơn thì cúng hoa trái, bánh, giấy vàng mã và thức ăn. Tất cả được thay hai lần mỗi ngày.

Bên trong mọi nhà, bàn ghế các thứ được kê lại ngay ngắn. Ở cuối sân, người ta treo những cành hoa và tua giấy để cúng thần giếng. Thầy bói được mời đến nhà để cân nước và đoán số. Cân nước là đổ vào hai cái vò một lượng nước bằng nhau. Một vò được dùng trước ngày Tết và một vò bắt đầu lấy sau ngày đầu năm. Nếu nước của năm cũ nặng hơn của năm mới thì thầy bói sẽ cho biết những tai họa sẽ xảy đến cho năm mới để đề phòng.

Đây cũng là thời gian vui sướng nhất của những người giúp việc. Họ không sợ bị rầy la vì chủ họ tránh nặng lời sợ mang tiếng cả năm.

Cầu Trung Đạo từ Đại Nội nhìn về phía Ngọ Môn và cột cờ Phu Văn Lâu, nằm giữa hai Phường Môn đúc bằng đồng.

Trong mấy ngày Tết người dân Việt tha hồ ăn uống, với mỗi ngày ba buổi ăn thịnh soạn sau khi đã cẩn thận dâng cúng tổ tiên. Tại gian bếp phía sau nhà, người ta dâng hương cúng ba ông táo hiện diện nơi ba hòn đá làm lò bếp.

Khi ngày hội mừng Xuân bắt đầu, người ta lo quét dọn lăng mộ. Ở Huế, gần chân núi Ngự Bình có một cánh đồng rộng toàn cát sỏi, nơi chôn hằng ngàn ngôi mộ. Cái chỉ là một nấm đất thấp lè tè, cái thì được trang trí với tường bao quanh và đôi khi có một phiến đá vuông đặt bên trên, có lẽ đây là nơi an nghỉ của người chết có thứ bậc cao hơn. Ở một số nơi trong khu lăng mộ này, người ta đắp đất cao lên như một ngọn đồi, trên đỉnh có xây lăng mộ lộng lẫy, nằm dưới bóng những cây thông, chắc là lăng của các hoàng thân hay quan đại thần, vì cây thông là biểu tượng cho hàng vương giả. Vào ngày đầu năm, không gì đáng tò mò bằng khi nhìn thấy nhiều tốp thợ loay hoay nhổ cỏ và quét dọn tại những khu mộ này.

 Lễ đầu năm trong Đại Nội

 Từ sáng sớm Mồng Một Tết Bính Tuất (nhằm ngày 4 Tháng Hai, 1886), thành phố Huế nhộn nhịp khác thường. Quan lại và các ông hoàng có đông người hầu theo sau, mặc trang phục ngày hội, đi vào hoàng thành chúc Tết nhà vua. Ở khắp mọi phía, lính thị vệ cầm giáo hoặc kiếm, trông coi dọc bờ sông để giữ trật tự đám thuyền bè chở các quan đến.

Trong buổi tiếp kiến nhà vua dành cho Tướng Prudhomme và quan khâm sứ Pháp là Tướng Warnet, binh lính Pháp được huy động dàn hàng từ cửa vào thành dài đến cung điện.

Lính Pháp dàn chào khi Tướng Prudhomme vào chúc Tết vua Đồng Khánh, nhìn từ cầu Trung Đạo về hướng Điện Thái Hòa.

Tướng Warnet được cử làm khâm sứ Trung Kỳ kiêm luôn khâm sứ Bắc Kỳ từ Tháng Giêng đến Tháng Tư năm 1886, dưới thời Toàn Quyền Paul Bert, toàn quyền dân sự đầu tiên ở Việt Nam.

Sân trước bên trong hoàng thành thật rực rỡ. Từ cửa Ngọ Môn cho đến sân chầu, các thủy binh Pháp mặc lễ phục, đội mũ trắng, súng cầm tay, xếp thành hai hàng dọc theo cầu Trung Đạo dẫn vào điện Thái Hòa.

Việc lính Pháp đội mũ trắng khiến gây nên những cuộc đàm phán tranh luận không dứt với Bộ Lễ. Vì màu trắng được người Việt xem như là màu tang chế nên trong ngày trọng đại các quan Bộ Lễ cho đó sẽ là điềm xấu đối với năm mới. Trong suốt hai ngày, quan thượng thư phái hết người này đến người khác sang gặp tướng Pháp để yêu cầu thay đổi trang phục nhưng phía Pháp không chịu nhượng bộ, cho rằng với thời tiết này đội mũ đen dễ gây nên cảm nắng.

 

Các quan và lính thị vệ đứng trước Viện Bảo Tàng.

Chính giữa sân chầu, tiểu đoàn bộ binh Bắc Kỳ của Pháp xếp thành hai hàng, chừa một lối đi rộng ở giữa cho viên tướng Pháp đi qua. Sau hàng quân là những phiến đá đặt cách đều nhau, mỗi phiến có khắc chữ Hán, nơi các quan trong triều đến đứng gần. Phía bên trái là quan văn, bên phải quan võ, các quan đứng theo cấp bậc của họ. Áo chầu họ mặc là loại áo dài bằng lụa, tay áo rộng, ngang lưng có thắt đai nạm đá màu, và phía lưng có hai mảnh như hai cái cánh, rung rinh khi bước đi, còn chân thì đi hia Tàu bằng vải đen, với đế bằng dạ. Mỗi quan cầm trên tay một vật bằng ngà với phần cán bọc nhung đỏ. Trang phục và mũ của các quan đều giống nhau nhưng tùy theo phẩm trật mà khác nhau về chất liệu của vải, hình thêu và trang trí trên mũ. Áo quan văn có thêu hình chim phượng, trong khi áo quan võ thì thêu hình hổ phù. Các quan cấp thấp mặc áo trơn màu xanh, hình thêu trên miếng vải vuông đính trước ngực, mũ đội được trang trí đơn giản.

Các hoàng thân đứng trước các quan, bên trong điện. Họ mặc áo đỏ lộng lẫy có ánh bạc, thêu thùa thật nhiều.

Ở góc sân phía hai bên điện có ban nhạc mặc áo đỏ, người cầm kèn, kẻ có chũm chọe đặt trên giá phía trước. Cạnh họ là những người lính cầm lọng và vũ khí gắn ở đầu cán dài, có những hình búa, rồng, chùy, hoặc bàn tay công lý.

Binh khí quân đội thời xưa gồm thương, trượng, giáo, đao, kiếm, búa, cung, tên…

Bên phải và bên trái sân có những con voi lớn được trang trí rất đẹp, dưới chân mang vòng sắt, ngà đeo những chiếc vòng chạm trỗ cầu kỳ. Chúng đứng im bất động, trên lưng có đặt bành vàng, tại đó có người ăn mặc rực rỡ tượng trưng cho sứ thần các nước chư hầu dâng lễ vật lên triều đình. Họ ngồi dưới một tán vàng rộng được người hầu đứng đằng sau trên lưng voi cầm.

Đột nhiên tất cả các quan và binh sĩ đều im lặng. Một điệu nhạc nghe như từ rất xa vẳng đến, phía sau điện, các cửa được mở ra hết, báo hiệu nhà vua đang đến. Tiếng nhạc mỗi lúc mỗi gần hơn và nghe như một hành khúc với nhịp điệu lạ kỳ, trong đó cứ lập lại một âm điệu hơi buồn, trình bày bằng những nhạc cụ có âm thanh rất nhẹ, giống như một dàn nhạc gồm có sáo, vĩ cầm và đàn dây. Một tiếng hô lanh lảnh vang lên từ sâu tận bên trong điện và chuyển tiếp bằng những người truyền lệnh đứng dọc theo các hành lang dẫn từ trong cung đến sân chầu, trên con đường nhà vua đi đến ngai vàng.

Nét rực rỡ của hoàng cung.

Đoàn rước xuất hiện. Đi đầu là toán lính mặc đồ đỏ, đầu đội mũ màu cánh kiến vành rộng phủ xuống tận gáy, tay cầm kiếm rất dài dựng đứng, đựng trong vỏ bọc bằng gỗ viền bạc. Rồi đến những người mang những mâm quả lớn trang trí thật lạ mắt. Những người hầu gánh những lư hương treo bằng xích đong đưa dưới mấy chiếc cán rất ngắn, tỏa ra mùi thơm ngát. Mấy người hầu khác cầm đồ đuổi ruồi làm bằng lông đuôi ngựa. Toán khác cầm cờ xí có thêu thùa, với viền tua trông như ngọn lửa. Tất cả đều di chuyển chầm chậm.

 Ban nữ nhạc cung đình

Cuối cùng vua xuất hiện giữa bốn người hầu ăn mặc rất đẹp cầm bốn cái lọng màu vàng thật lớn. Vua mặc một cái áo, về hình thức giống như của các quan, nhưng bằng lụa vàng thêu chỉ vàng. Vàng là màu của hoàng đế, chỉ có vua ở Việt Nam mới được mặc áo màu đó, nếu thần dân mà mặc màu này nơi công cộng thì sẽ bị coi là phạm thượng và có thể bị tội chết.

Vua mang ủng Tàu lớn màu vàng, tay cầm vật bằng ngà, đầu đội mũ cùng màu với hoàng bào, trang điểm kim cương, trân châu và ngọc bích. Một chiếc kim khánh điểm tô bằng mấy viên ngọc lớn và rực rỡ, đeo trước cổ bằng dây xích vàng. Chiếc áo lễ có thêu hai bên ngực hai chữ Hán biểu tượng của hạnh phúc, có nghĩa là vạn thọ.

Vua Đồng Khánh

Vua Đồng Khánh có tầm vóc trung bình, màu áo vàng khiến nước da vua trông có vẻ trắng, nổi lên với đôi mắt rất linh động và rất hiền từ, dưới đôi lông mày đều đặn. Nét mặt cân đối, mũi đẹp so với người Việt Nam, chỉ có miệng hơi rộng và môi hơi dày. Vua hoàn toàn không có râu, vả lại vua còn rất trẻ, chỉ mới ngoài hai mươi. Vua bước đi rất đường bệ, nét mặt bất động, đôi mắt nhìn thẳng về phía trước như không nhìn thấy gì. Vua từ từ bước lên bậc ngai vàng, đứng thẳng người, nói khẻ mấy câu và lập tức được một người quì phủ phục dưới chân nhắc lớn lại.

Bệ rồng.

Khi vua vừa ngồi xuống thì đột nhiên vang dậy từ xa phía bên kia tiếng kèn vui nhộn của người Pháp. Tướng Prudhomme với quan khâm sứ đi bên phải, có các sĩ quan tháp tùng và nhiều quan chức cùng thông ngôn tiến vào sân trước. Ông đi giữa hai hàng quân bồng súng chào trong khi tiếng kèn đồng vang lên. Đến khi ông bước lên sân chầu thì nhà vua đứng dậy, oai vệ bước xuống ngai, rồi tiến ra dưới bốn lọng che để đón người đại diện nước Pháp trước cửa điện. Viên tướng nói lời chúc tụng và lập tức được người thông ngôn chính thức của phái đoàn dịch lại. Vua đáp lại bằng vài lời ưu ái và viên tướng lui ra với nghi thức giống hệt như khi đến.

 

Thị vệ đứng gát trước cửa dẫn vào hậu cung.

Tất cả chưa phải đến đó là kết thúc. Nghi lễ kỳ thú nhất chỉ mới bắt đầu. Các hoàng thân và quan đến bày tỏ lòng trung thành với nhà vua như nghi thức qui định vào mỗi đầu năm. Các quan xếp thành sáu hàng quay mặt vào điện. Theo hiệu của Thượng Thư Bộ Lễ, tất cả đều quì gối, giập đầu xuống đất, đọc lời thề bằng giọng ngân nga như những khúc thánh ca nhà thờ. Họ quì lạy ba lần như vậy, và giữa mỗi lần, tiếng nhạc cung đình vẳng ra từ xa cũng với âm điệu ảo não và buồn thảm đó.

Đám đông các quan trong những lễ phục rực rỡ lấp lánh dưới ánh mặt trời quì gối giữa hai hàng voi đứng im bất động, tiếng nhạc lạ tai và mùi hương tỏa khắp không gian. Đằng kia, khuất trong bóng râm của phòng thiết triều, nhà vua trẻ, ẩn trong bộ hoàng y, với khuôn mặt tĩnh lặng như pho tượng mà người ta tôn kính như một vị thần linh, tạo thành giữa khung cảnh hoành tráng của cung điện một cảnh tượng không thể nào quên.

 

Hình ảnh sinh hoạt của vua ở hậu cung mà Bác Sĩ Hocquard được chứng kiến.

Buổi chầu kết thúc và nhà vua rời khỏi ngai vàng. Đám đông thị vệ và quan lại cấp thấp từ từ rút lui. Các quan thượng thư, các thành viên gia đình hoàng tộc, các quan cấp cao được vua triệu vào dự yến tiệc trong cung. Những người được ân sủng của triều đình trong năm qua sẽ được ban thưởng.

Nơi các khu ngoại thành, dân chúng chuẩn bị cho lễ buổi chiều. Vào lúc 3 giờ, nhà vua sẽ thực hiện cuộc đi dạo trọng thể qua các nẻo đường trong thành phố. Đã từ lâu người dân Huế không còn được nhìn thấy quang cảnh đó. Xưa kia vua chỉ xuất hiện trước công chúng ở kinh đô mỗi năm một lần vào dịp Tết. Nhưng từ khi quân Pháp chiếm Nam Kỳ, vua Tự Đức trở nên u sầu, ở mãi trong cung, nếu có xuất cung thì hoặc đi bằng thuyền hay ngồi trong kiệu che kín. Triều đình mới không có lý do gì để tiếp tục như vậy với thần dân, vì thế từ năm đầu mới lên ngôi, vua Đồng Khánh muốn quay lại với tập tục của các tiên đế thuở trước.

Cung phi.

Đúng 3 giờ, một phát đại bác nổ vang từ Hoàng Thành báo tin sự xuất cung của vua. Đoàn rước đi qua sông trên chiếc cầu gỗ lớn nối liền hai bờ. Đám rước đi qua giữa hai hàng quân Pháp, theo sau là một đoàn hơn nghìn người, gồm các hoàng thân, quan đại thần, các thượng thư, quan lại các cấp, người trong cung, phường nhạc công, lính hộ vệ cầm giáo, gươm, cờ, lọng. Vua ngồi trên một chiếc kiệu thếp vàng, che bằng tán vàng và bốn lọng cũng màu vàng, do bốn người lực lưỡng khiêng. Dân chúng đứng đầy hai bên đường, quì sụp đầu sát đất khi vua đi qua.

 Nơi vua ở trong Đại Nội.

Từng tràng pháo nổ đuổi theo sau, không gian tràn ngập mùi hương trầm đốt trên các hương án phủ vải thêu, có chưng những bình hoa, được dựng lên suốt dọc đường nơi đám rước đi qua. Trước các hương án là những người dân già nhất của Huế đứng chờ để chào vua và cũng để nhận sự khen thưởng vì đã sống lâu, theo như sách Lễ Ký có nói.

Nguồn bài viết: https://thantrinhomhue.com/2017/05/28/nguoi-phap-va-tet-nam-1886-tai-hue-trieu-phong

{loadposition tourhue}