Đại Nội Huế: Cửu Đỉnh (Hoàng thành Huế)

Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn (tiếng Anh: The Nine Tripod Cauldrons of Nguyen Dynasty) là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. 

Tháng 10 năm Ất Mùi Minh Mạng XVI (tháng 12 – 1835) thì khởi công đúc. Công việc đúc và sau đó gia công thật hoàn chỉnh mất 15 tháng, đến tháng Giêng năm Đinh Mậu Minh Mạng XVIII (3-1837) thì hoàn thành.

 

Ý nghĩa

Ngay khi có ý đồ đúc, Cửu đỉnh đã được coi như đồ quý ở nhà Tôn Miếu và sẽ được đặt ở vị trí trang trọng trong sân Thế Miếu. Để đặt từng chiếc đỉnh vào đúng vị trí, trước hết phải xác định tên gọi cho nó. Với ý đồ đúc Cửu đỉnh là để khẳng định nghiệp đế vương muôn năm bền vững, “Cửu đỉnh” với con số 9 kết thúc một vòng lịch đại đầy đủ, tương ứng với “cửu tộc”: được khởi đầu từ CAO tức thế hệ mở đầy, coi như chóp đỉnh và kết thúc ở HUYỀN là thế hệ sau cùng tức chỉ nơi sâu thẳm, khép kín 1 chu kỳ để đi vào cõi vĩnh hằng.


 

Từ CAO đến HUYỀN trong hệ thống thế thứ lịch đại, mỗi thế hệ tượng trưng cho một đức tính tốt;

CAO, tức người khởi dựng, tượng trưng cho sự vĩ đại, NHÂN là lòng tốt, tượng trưng đức, CHƯƠNG là sự gương mẫu, là ánh sáng, ANH là tài giỏi vinh hạnh, hiển đạt, NGHỊ là ý chí kiên cường, cương nghị, THUẦN là sự hoàn thiện, phong phú, TUYÊN là sự hài hòa, tinh thông, DỤ là nền tảng sự thịnh vượng và HUYỀN ứng với nơi sâu thẳm

Chính vì thế, con số 9 ở đây là số nhiều, đầy đủ nhất đến mức hoàn tất, để rồi sang con số 10 sẽ trở lại từ đầu theo một chu kỳ mới. Là một lịch đại đầy đủ. Minh Mạng muốn dành tên đỉnh làm tên thụy tức miếu hiệu được đặt ra sau khi chết của các vua nhà Nguyễn. Và như thế, CAO ĐỈNH phải tương ứng với Gia Long là Thế tổ Cao hoàng đế. Minh Mạng tự chọn tên thụy cho mình là Thánh tổ Nhân hoàng đế. Ông còn đặt sẵn tên thụy cho các thế hệ tiếp theo là Hiến tổ Chương hoàng đế, Dực tông Anh hoàng đế, Giảng tông Nghị hoàng đế, Cảnh tông Thuần hoàng đế v.v…Vì thế, mà từ vị trí đặt Cửu đỉnh ở sân chầu được lấy làm chuẩn quy chiếu cho các bàn thờ từng vị vua tương ứng đặt ở trong nhà Thế Miếu, nguyên tắc là lấy tổ ở giữa làm chuẩn, tỏa sang hai bên với thứ tự trái trước phải sau. Có thể thấy rõ điều đó qua sơ đồ sau: 

Vị trí

8

6

4

2

1

3

5

7

9

Tên đỉnh

Dụ
Đỉnh

Thuần Đỉnh

Anh Đỉnh

Nhân Đỉnh

Cao Đỉnh

Chương Đỉnh

Nghị Đỉnh

Tuyên Đỉnh

Huyền Đỉnh

Vua tương ứng

Hàm Nghi

Đồng Khánh

Tự Đức

Minh Mạng

Gia Long

Thiệu Trị

Kiến Phúc

Khải Định

Duy Tân

Thật ra, trong Thế Miếu xưa chỉ có 7 nhang án thờ 7 vị vua được chính quyền bảo hộ Pháp cho phép, ứng với 7 đỉnh từ Cao đỉnh đến Tuyên đỉnh, còn 3 nhang án mới thờ 3 vị vua có tư tưởng yêu nước chống Pháp mới được đưa vào năm 1959. Các ông vua này đều không có tên thụy, do đó Hàm Nghi ứng với Dụ đỉnh, Duy Tân ứng với Huyền đỉnh, còn Thành Thái tới con số 10 thì không còn đỉnh để tương ứng nữa. Đúng số đầy đủ thì, thế phả nhà Nguyễn có tất cả 13 vua. Ngoài 10 nhang án (cũ và mới) thờ 10 vua kể trên, còn có Dục Đức làm vua 3 ngày, Hiệp Hòa làm vua 4 tháng và Bảo Đại bị phế truất năm 1945 cũng không có tên thụy.

Cả 9 chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là Minh Mạng thập lục niêm Ất Mùi” (1835), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh có khác nhau xê xích từ 3201 cân ta đến 4307 cân ta. 

Qua những số đo trên, từng chiếc đỉnh so với từng khẩu súng trong bộ “cửu vị thần công” (nặng trung bình 17.500 cân = 10.913 kg), thì không phải là quá to nặng, nhưng kỹ thuật đúc phức tạp hơn. Khi đúc đỉnh, trong tâm thức của người thợ cũng như ý đồ của triều đại là muốn đúc 9 chiếc đỉnh cao và nặng như nhau (hay phân đôi thứ nhất ít nhất đỉnh trước phải nhỉnh hơn đỉnh sau một chút). Nhưng thực tế mỗi đỉnh do những nhóm thợ khác nhau thực hiện bằng phương pháp thủ công, nên không thống nhất được kích thước và càng không chủ động được về trọng lượng. Vì thế độ dung sai khá lớn. Tuy nhiên, những khác biệt trên phải tinh ý mới có thể nhận ra được. Nhìn chung các đỉnh vẫn tạo ra sự thống nhất trong tổng thể, thống nhất mà không đồng nhất, tất cả bề thế, cao to, vững vàng mà không nặng nề.

Trong cái hình khối thống nhất, hài hòa ấy, từng phần ở mỗi đỉnh lại có sự đổi mới, như nét chấm phá của sự sáng tạo và trí tuệ. Cũng là quai đỉnh hình chữ U úp, nhưng góc đáy của nó ở các đỉnh Cao, Nhân, Dụ và Huyền thì vuông góc, còn ở các đỉnh khác lại uốn cong. Mặt quai thì tùy đỉnh mà bện thừng, cong vỏ măng, cong lòng máng, phẳng bẹt hay có gờ, triện hoặc để trơn. Cổ số đông  đỉnh có hình lòng máng, nhưng ở đỉnh Cao, Dụ lại để thẳng. Vành miệng các đỉnh Thuần, Dụ và Huyền đều cong nữa vỏ măng, còn ở các đỉnh khác thì thẳng đứng với gờ vuông. Vai nhiều đỉnh có gờ đơn hoặc gờ kép, nhưng một số đỉnh để trơn. Đáy bầu đỉnh phần lớn cong một phần của khối cầu, nhưng ở một số đỉnh khác lại bằng và hơi lõm lên. Chân chỉ ở Dụ đỉnh là được tạo đáy thẳng hơi chếch, còn ở các đỉnh khác đều công dạng chan quỳ. Tiên thân của đỉnh lại trang trí một kiểu riêng, biểu hiện sự giàu đẹp mọi miền của Tổ quốc; núi sông, cây cỏ, động vật, xe thuyền và các quan niệm về vũ trụ và thiên nhiên v.v…

Bên cạnh vẻ đẹp sáng tạo dáng, nối bậc lên trong nghệ thuật trang trí ở mỗi đỉnh là các mảng hình chạm trên bàu của đỉnh , mặt bàu chia thành ba tầng, mỗi tầng có sáu hình xen kẽ với 6 mảng trống, trong đó tầng trên và tầng dưới bố trí lệch đi một khoảng so với tầng giữa, tạo ra sự sống “động” của đỉnh. Như vậy, mỗi đỉnh có 18 mảng  hình, trong đó mảng hình chính ở mặt trước thuộc tầng giữa được khắc tên đỉnh với lối chữ chân phương, từng nét mạch lạc, khối chữ vuông vức, bố cục chặt chẽ, ở đây được xem như một bức tranh chữ.

Chúng ta tìm thấy một trật tự trang trí được tuân thủ chặt chẽ trên cả mặt đỉnh cũng hư từng tầng, quán xuyến suốt cả bộ Cửu đỉnh. Nhìn chung tầng giữa được tập trung những hình quan trọng nhất: lấy tên đỉnh làm nội dung trang trí chính, đối lại phía sau là các mô hình thể hiện vũ trụ như các tinh cầu hay các biểu tượng thiên nhiên mạnh mẽ và thần bí, hai bên trên đỉnh là hình các núi cao hùng vĩ, trập trùng và đối lại bên kia là biển cả mênh mông hay cửa sông rộng mở, rồi tiếp theo cả hai bên là những con sông lớn của cả nước.

Từ những cụ thể trên, Cửu đỉnh còn hàm chứa quyền lực của vương triều bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và thiên nhiên của đất nước (kể cả vùng trời và biển), cùng vơi sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy. Có thể xem những hình này  như một bộ “Địa dư chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ 19, không đầy đủ nhưng điển hình, đúng như yêu cầu của nhà vua Minh Mạng khi chỉ đạo bộ Công; “Nay đúc đỉnh, khắc hình tượng sông núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để nhận biết”(Đại Nam thực lục, 1966).

Nghệ sĩ khi thể hiện nhữg hình trên Cửu đỉnh đã thoát ra ngoài cái nhìn cố định, không lệ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể, cũng như tỷ lệ kích thước của chúng, mà họ đã sáng tạo bằng sự sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương nhau trên bàu của đỉnh. Vì thế có những vật thể thu nhỏ nhiều, nhưng lại có những vật thể thu lại không đáng kể; có hình rất khái quát, nhưng lại có hình khá chi tiết, hình nào cũng được nhìn rất động với những chi tiết đặc thù, nên dù không đọc tên khắc kèm cũng có thể nhận biết. Với kỹ thuật khắc nổi vừa phải, các hình trên Cửu đỉnh tuy để trang trí mặt ngoài bàu, nhưng không lặp lại quy luật trang trí dải, mà mỗi hình như là một tác phẩm điêu khắc độc lập, giàu tính nhân gian, được khắc lên thân đỉnh, tạo ra một nhịp điệu uyển chuyển. Sự đa dạng, tính thống nhất, cái tinh tế và sự hài hòa đã thể hiện tư duy của nghệ nhân đúc đồng thời bấy giờ: một tư duy sáng tạo và năng động.

{loadposition adslogo}