Giới thiệu về Lăng Minh Mạng

Các kiến trúc sư bậc thầy ngày nay cũng phải khâm phục trước nghệ thuật tạo hình tuyệt dịu của lăng này. Lăng Minh Mạng được nhiều du khách thích nhất vì nó thể hiện ý chí về thế giới vũ trụ một cách độc đáo của người Việt Nam, đó là nét đẹp về giá trị tư tưởng.

 Vào tháng 2/1820 vua Gia Long băng hà, hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm, con trai thứ tư của vua và là con của bà vợ thứ hai lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng (theo lẽ hoàng tử Cảnh lên ngôi nhưng vì Cảnh chết). Vua Gia Long có nhiều con trai (triều Nguyễn không phong hoàng hậu, thái tử và tể tướng), nhưng hoàng tử Cảnh khi gởi làm con tin thì được coi là thái tử.

Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhame) dạy cho cho Nguyễn Cảnh (hoàng tử Cảnh được rửa tội theo nghi lễ Thiên Chúa Giáo) với ước mơ biến đất nước Đàng Trong thành đất Kitô Giáo nhưng hoàng tử Cảnh chết vì bị bệnh đậu mùa khiến ý đồ của Bá Đa Lộc không thành. Sau đó vua Gia Long không chọn truyền ngôi cho con trai của Hoàng Tử Cảnh mà truyền ngôi cho hoàng tử Đảm, tức vua Minh Mạng. Hoàng tử Đảm tỏ ra là người sùng nho học và ghét người Phương Tây. Đây là một lựa chọn để trừ hậu hoạn của vua Gia Long trong lúc mình ít nhiều mang ơn người Phương Tây. 

Vua Minh Mạng là một vị vua có cá tính mạnh mẽ, ông còn tập trung quyền hành nhiều hơn dưới thời vua Gia Long. Ông là người thiết lập nền quân chủ chuyên chế tập trung nhất từ trước đến nay. Bộ máy hành chánh được thiết lập một cách hệ thống từ TW đến địa phương chặt chẽ dưới thời vua Minh Mạng. Ông cũng là người mở mang bờ cõi nước ta rộng rãi. Ông là người tôn sùng nho học cho nên ông cho thiết lập lại các khoa thi một cách ổn định nhưng ông cũng là người sáng suốt thấy những hạn chế của khoa thi cử, đó là không đủ tìm kiếm và đào tạo nhân tài. Ông có những hoài bão lớn lao là chiếm nốt vùng còn lại của Chân Lạp và áp đặt nhiều chức quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Minh Mạng là một ông vua kiên quyết và độc tài nhưng là người có trách nhiệm với đất nước. 

Việc đầu tiên vua Minh Mạng làm là xuống chiếu cần hiền, tìm người tài giỏi. Việc thứ hai là thay đổi bộ máy quan lại. Việc thứ ba là tổ chức khoa thi đầu tiên vào năm 1822 (đời vua Minh Mạng có 54 vị tiến sĩ trong tổng số 293 vị tiến sĩ của triều Nguyễn). Việc thứ tư là Minh Mạng thống nhất chính sách nội trị và văn hóa (cấm mặc quần không đáy). Năm 1831 –1832 thống nhất quyền hành từ TW đến địa phương, lập dinh Quảng Đức – Thừa Thiên Phủ. Ông là vị vua trị nước an dân tài nhất, vợ nhiều nhất trên 500 bà, có con nhiều nhất. Ông thiết lập gia đình năm 16 tuổi, 30 tuổi lên ngôi. 

Về quan hệ ngoại giao: có quan hệ rộng rãi với các nước lân bang. Hầu hết các nước Đông Nam Á đều thuần phục Minh Mạng, kể cả Xiêm. 

Về chính sách nông nghiệp: mở rộng đê điều, cho đào kênh Vĩnh Tế. 

Về quân sự: xây dựng hải đảo, mở rộng biên cương rộng lớn nhất. Ông còn có chính sách biểu dương lực lượng với các bộ tộc. 

Làm vua được 7 năm, Minh Mạng sai người đi tìm đất xây lăng cho mình. Quan địa lý Lê Văn Đức đã tìm ra một vị trí tốt ở địa phận núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lăng, nơi họp lưu hai nguồn tả hữu Trạch tạo ra sông Hương, nhưng mãi 14 năm cân nhắc vua mới quyết định chọn nơi này…. 

Tháng 4/1840 vua xem lại chỗ đất và đổi tên vùng núi Cẩm Khê ở đó thành ra Hiếu Sơn. Vua sai các đại thần tiến hành việc khảo sát địa thế, đo đạc đất đai. Họ vẽ toàn bộ núi đồi khe suối, sông ngòi ở đây và sơ đồ các dự án kiến trúc từ La Thành, Bửu Thành, điện, lầu, đình, tạ, đường, viện cho đến những nơi đào hồ, làm cầu đường, dựng cửa…đích thân vua phê chuẩn, xem xét họa đồ thiết kế của các quan. 

Tháng 9/1894, triều đình huy động 3.000 lính và thợ lên điều chỉnh mặt bằng và xây dựng vòng la thành chung quanh khu vực kiến trúc. Khu đất này rộng 14ha, dài 700m. Tất cả các công trình đăng đối theo trục dọc thể hiện sự bền vững. Sau 8 tháng thi công công trình, ngày 20/1/1841 nhà vua băng hà giữa lúc 50 tuổi. 

Một tháng sau 20/2/1842, vua Thiệu Trị cho tiếp tục việc xây dựng và sai các đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Đường đứng ra lo liệu công việc ấy. Triều đình điều gần 1 vạn lính và thợ ở bộ binh và bộ Công lên làm việc: 7 viên quan vế 140 viên suất đội, 7.000 biền binh, hơn 20 lại dịch và thợ thuyền các loại. 

Trong không khí oi bức của mùa hè năm ấy, tại công trình ấy có đến 3.000 người bị bệnh kiết lỵ cùng một lúc. Nhà vua bắt thái y viện phải đem tất cả y sinh và thuốc men trong viện lên chữa cho bằng được. Ngay sau đó bệnh dịch bị dập tắt. Việc xây dựng lăng lại tiếp tục. Quan tài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành bằng đường toại đạo ngày 20/8/1841 và tấm bia “Thánh Đức Thần Công” mới hoàn tất theo đồ án của vua Minh Mạng để lại. 

Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ, nằm trên một khu đồi núi sông hồ thoáng mát. 

Thầy địa lý Lê Văn Đức rất chí lý khi chọn địa cuộc này, vì vừa hợp với thuật phong thủy, vừa hợp với cảnh quan xung quanh. Toàn bộ lăng giống như cơ thể con người nằm gối đầu lên núi Kim Phụng, hai chân xuôi duỗi ra phía ngã ba sông trước mặt, hai nữa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên. 

Khu vực lăng có một chiều sâu hun hút (từ Đại Hồng Môn đến điểm tận cùng của La Thành tuy cao nhưng cũng không hạn chế được tầm mắt nhìn từ trong lăng ra đến vùng núi non đẹp đẽ ở xa xa bên ngoài. Đứng ở cầu Hữu Bật nhìn về phía Nam, cảnh vật núi non cây cỏ in bóng xuống đáy hồ Trừng Minh trông như bức tranh thủy mặc. 

Bên trong La Thành các công trình kiến trúc được bố trí đối xứng nhau từng cặp qua trục chính xuyên tâm lăng. Tất cả được xếp đặt theo một trật tự chặt chẽ, có hệ thống, giống như tình trạng xã hội đương thời, một xã hội được tổ chức theo chính sách trung ương tập quyền của chế độ quân chủ tôn sùng nho học đến mức tối đa. Bố cục kiến trúc ấy cũng nói lên cá tính và phong cách của chính vua Minh Mạng. Bửu Thành xây theo hình tròn biểu thị vua là mặt trời, là đấng chí tôn có quyền chi phối toàn bộ xã hội quân chủ ấy. 

Lăng nằm trên hữu ngạn sông Hương. Từ ngoài bến sông vào lăng là 150m. Kiến trúc lăng nói lên tham vọng ôm cả vũ trụ của vua Minh Mạng. Lăng có 5 vòng tròn: Mộ vua hình tròn ở giữa – tượng trưng cho mặt trời. Vòng thứ hai là hồ bán nguyệt – hồ Tân Nguyệt. Vòng thứ ba là La Thành. Vòng thứ tư là sông Hương. vòng thứ 5 là đường chân trời. 

Nếu từ trên không nhìn xuống, ta thấy quần thể kiến trúc này gồm hai chữ “Minh” + “Mạng”. Nhưng nếu quan sát từ mặt đất thì thấy được chữ “Minh” gồm hai chữ “Nhật” và “Nguyệt” cộng lại. Từ ngoài vào trong có 5 tầng sân tượng trưng cho ngũ hành. 

• Mở đầu Thần Đạo là Đại Hồng Môn- cổng chính đi vào lăng – cao 9m, rộng 12m. Cổng này có 3 lối đi với 24 mái lô nhô cao thấp, được trang trí rất đẹp. Cổng chỉ mở ra một lần lúc đưa quan tài của vua vào lăng. Sau đó đóng kín. Ra vào phải qua hai cửa phụ là Tả Hồng Môn. Sau Đại Hồng Môn là sân lát gạch bát tràng. Hai bên có hai hàng tượng quan viên, voi, ngựa. 

• Cuối sân là Bi Đình hay Phương Đình nằm trên đồi Phụng Thần Sơn. Bên trong có bia “Thánh Đức Thần Công” bằng đá của vua Thiệu Trị viết về công đức và tiểu sử của vua cha. 

Đại Hồng Môn, cổng chính vào Lăng Minh Mạng

(Ngày trước, cổng chỉ mở một lần duy nhất khi đưa quan tài vua vào,
sau đó được đóng kín, ra vào theo hai cổng phụ ở hai bên)

• Tiếp đến là sân triều lễ, chia làm 4 bậc: 

• Mở đầu cho khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua) là Hiển Đức Môn, được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu tượng cho mặt trái đất – trời tròn đất vuông. Ở trung tâm khu vực này có điện Sùng Ân thờ bài vị của vua và bà Tả Thiên Hoàng Hậu (Hồ Thị Hoa), mẹ vua Thiệu Trị. Nơi đây tượng trưng là nơi nghỉ ngơi của vua. 

• Quanh điện Sùng Ân là Tả Hữu Phối Điện và Tả Hữu Tùng Phòng để thờ các quan và cung tần, cũng được giới hạn trong lớp thành hình vuông- biểu tượng cho đất. 

• Tiếp đến là Hoàng Trạch Môn là ranh giới giữa nơi thờ và mộ táng, đầy hoa ngát hương thơm, là khu vực mở đầu cho một thế giới đầy an nhàn siêu thoát, vô biên. Bước xuống 17 bậc thềm bằng đá thanh dịu mát để rơi mình vào khoảng không gian đầy hoa thơm cỏ lạ. 

Minh Lâu

• Hai bên cầu Trung Đạo (giữa), Tả phụ (trái), Hữu bậc (phải) bắc qua hồ Trừng Minh sẽ đưa chúng ta đến Minh Lâu nằm chân đồi Tam Tài Sơn, là nơi vua ngắm cảnh, ngắm trăng, và suy ngẫm thế nhân. Tòa nhà này có hình vuông, hai tầng (tượng trưng cho lưỡng nghi), 8 mái (tượng trưng cho bái quái). 

• Hai bên Minh Lâu về phía sau là hai trụ biểu dựng trên hai quả đồi Bình Sơn và Thành Sơn tượng trưng cho uy quyền và công đức vua. Hai hoa sen trên hai trụ biểu như hai ngọn đuốc tỏa sáng cho cuộc đời. Ông nghĩ rằng ông đã hoàn thành công đức và thanh thản để đi vào cõi vĩnh hằng. 

• Ngay sau Minh Lâu là hai vườn hoa hình chữ thọ đối xứng nhau qua đường thần đạo – một biểu tượng cầu mong sự vĩnh cửu của vương nghiệp nhà vua dưới âm phần và sự bền lâu của vương quyền triều Nguyễn trên dương thế. 

• Kế đến là cổng với hai hàng chữ đề “Chánh Đại Quang Minh” để bước qua cầu “Thông Minh Chính Trực” vào thế giới vô biên. “Chánh Đại Quang Minh” là đường lối tư tưởng trị nước của vua Minh Mạng. 

• Sau khi qua cổng chính chúng ta đi lên cầu “Thông Minh Chính Trực” bắc qua hồ Tân Nguyên ôm lấy Bửu Thành hình tròn nằm ở giữa. Hồ lấy yếu tố âm hòa hợp với yếu tố dương là Bửu Thành- biểu tượng của mặt trời. Qua cầu có 333 bậc đá dẫn đến nơi yên nghỉ của nhà vua nằm trên đồi Khai Trạch, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Đây chính là trung tâm vũ trụ, nói lên khát vọng ôm choàng trời đất và ước muốn làm bá chủ của vua Minh Mạng. Ngày nay, cổng vào đồi Khai Trạch luôn được khóa kín vì người ta không rõ vua được chôn chính xác ở chỗ nào, sợ vô ý giẫm lên long thể nhà vua. 

Như vậy, ở phần trước lăng, mật độ kiến trúc thưa thoáng. Càng vào sâu, mật độ kiến trúc càng dày. Các nhà kiến trúc thời ấy đã đưa ba kiến trúc ở Gia Long nằm theo chiều ngang nhập làm một cho nằm theo chiều dọc trong một trục duy nhất ở lăng Minh Mạng. Họ cũng đã khôn khéo lợi dụng được thế đất và các ngọn đồi để nâng chiều cao của các công trình kiến trúc lên, đồng thời những chiếc hồ đã được bàn tay con người tạo ra như những nốt nhạc trầm để toàn bộ kiến trúc và thiên nhiên trong lăng trở thành một khúc nhạc rất phong phú về âm điệu và tiết tấu. Những cánh cửa gỗ ở Hiển Đức Môn, Hoàng Trạch Môn và ở Minh Lâu khi mở tạo ra những bất ngờ thích thú cho người đến chiêm ngưỡng kiến trúc, phong cảnh và độ cao thấp của đường thần đạo cứ thay đổi mãi theo bước chân đi. 

Các kiến trúc sư bậc thầy ngày nay cũng phải khâm phục trước nghệ thuật tạo hình tuyệt dịu của lăng này. Lăng Minh Mạng được nhiều du khách thích nhất vì nó thể hiện ý chí về thế giới vũ trụ một cách độc đáo của người Việt Nam, đó là nét đẹp về giá trị tư tưởng.

{loadposition tourhue}