Thành phố Đồng Hới – thành phố Hoa Hồng

Thành phố Đồng Hới còn được biết đến với một tên gọi khác là “Thành phố Hoa Hồng”. Nhiều du khách đến đây và nhất là những người thuộc thế hệ trẻ hôm nay cũng rất muốn biết xuất xứ “thực hư” của cụm từ này.

Mới đây, có một số bài viết đăng trên các báo địa phương do các tác giả đã dày công đi tìm hiểu. Tuy nhiên, theo chúng tôi nghĩ, những bài viết ấy vẫn tỏ ra lúng túng khi muốn đi đến đích viết của mình. Ở bài này, chúng tôi xin đóng góp một vài ý kiến nhỏ để có thể cùng nhau góp phần đáp ứng được phần nào tâm lý của nhiều người muốn hiểu cụm từ “Đồng Hới –Hoa Hồng” ấy.

 Nhằm giúp mọi người hiểu hơn về “Đồng Hới – thành phố Hoa Hồng”, tác giả Ngọc Hiên Hiên trong bài “Hiểu như thế nào cho đúng về Đồng Hới, thị xã Hoa Hồng” đăng ở đặc san Văn Hóa số tháng 02 năm 2002 do Sở VHTT Quảng Bình ấn hành đã viết: “Đồng Hới, thị xã nằm bên sông Nhật Lệ xinh đẹp, bên bờ biển. Xa xa là dãy Trường Sơn hùng vĩ đẹp ở dáng vẻ, các cảnh quan của nó, do đó cái thế như “một cái hoa hồng đang nở””.

Cũng trong bài ấy, có đoạn viết: “Trước đây (1965) (thực ra là năm 1969 – NV) nhà văn Đimitrôva, nữ nghệ sĩ của đất nước Bungari khi đến thăm thị xã Đồng Hới đã cảm nhận được cái “tứ” đầy thơ mộng này của Đồng Hới mà ví Đồng Hới là “Thị xã Hoa Hồng”.

Nhiều tác giả gần đây có viết về đề tài “Đồng Hới – Thị xã Hoa Hồng” đăng ở báo chí địa phương.

Những tác giả này đã tìm đến nhà anh Trần Hữu Quý, con trai ông Trần Hữu Lẫm (hiện ở phường Bắc Nghĩa). Anh Trần Hữu Quý rất nhiệt tình đã kể lại chuyện ngày xưa bố mình có trồng nhiều loại hoa hồng và còn cung cấp cho các tác giả ấy bài thơ mà Chủ tịch Hội sáng tác (nay là Hội VHNT) Quảng Bình bấy giờ là nhà thơ Xuân Hoàng làm tặng bố mình khi ông bị bom Mỹ giết hại với nhan đề: “Người trồng hoa trong thành phố Đồng Hới”. Trong bài thơ này, tác giả đã ca ngợi tình cảm yêu hoa hồng của người bạn đồng hương đã bị Mỹ giết hại.

Các tác giả các bài viết trên còn dẫn hai câu thơ trong bài thơ “Đồng Hới” của nhà thơ Xuân Hoàng viết năm 1966 “Ta lại về xây Đồng Hới quê ta/ Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ” và ngập ngừng, đắn đo… đi đến kết luận: “Phải chăng thị xã bé nhỏ thơm hương hoa hồng từ đây chăng? Để đến bây giờ vẫn mãi là thành phố Hoa Hồng” (Những nụ hồng cách nửa vòng trái đất – Thanh Long – báo Quảng Binh số Xuân Ất Mùi – 2015).

Một góc thành phố Đồng Hới (Ảnh: Internet)

Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở Đồng Hới. Chúng tôi hiểu rất rõ mảnh đất chôn nhau cắt rốn này. Đồng Hới trong quá ký ức ở một số gia đình (như gia đình ông Lẫm chẳng hạn) có trồng các loại hoa hồng (gồm hồng bạch, hồng mỡ gà, hồng đỏ) trong các chậu cảnh hoặc một góc nhỏ trong vườn, trong bao lơn trước cửa. Riêng xã Phú Ninh (phường Đồng Phú bây giờ) có chuyên canh trồng các loại rau củ theo mùa. Nhưng ở đây không hề có những cánh đồng đầy hoa hồng như Đà Lạt – Huế – Hà Nội… Trên thế giới, có những nước được gọi là “xứ sở của hoa hồng” như: Rumani, Bungari, Hà Lan…vì ở đây có nhiều vùng dân cư chuyên sống bằng chuyên canh trồng hoa hồng.

Vậy, nói “Đồng Hới, thị xã Hoa Hồng” là có từ đâu?

Số báo tết Xuân Canh Ngọ (1990) nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Tường đã viết về vấn đề này với tiêu đề: “Vì sao Đồng Hới có tên “Thị xã Hoa Hồng”. Trong bài bày, tác giả đã nói rõ chính bản thân mình đã phỏng vấn nhà thơ Xuân Hoàng để khai thác tư liệu khi ông còn sống và nguyên là chủ tịch Hội sáng tác Quảng Bình những năm trước, trong và sau chiến tranh chống Mỹ. Nội dung trả lời của Xuân Hoàng với ông Nguyễn Thế Tường cũng đã được ông ghi rõ trong phần đầu của chương năm “Những chân trời hé mở” và chương bảy “Chị Đimitrôva” (Âm vang thời chưa xa – Xuân Hoàng – Hội VHNT QB xuất bản năm 2000).

Một góc thành phố Đồng Hới (Ảnh: Internet)

Chuyện là giữa năm 1964, nhà văn Nga Pôrit Pôlêvôi, tác giả của nhiều tiểu thuyết, ký sự nổi tiếngvào thăm Quảng Bình. Đang mùa nắng, các loài hoa khác đã tàn, Đồng Hới duy còn lại một số cành hoa hồng trong chậu của một số nhà. Các chị tiếp viên nhà khách Giao tế ở Đức Ninh kiếm được mấy bông hoa hồng và cắm vào lọ trong phòng khách. “Chỉ vào hai hoa hồng vàng cắm ở chiếc lọ đặt trên bàn, ông khen “Hoa hồng ở Việt Nam đẹp quá!”. Tôi cao hứng nói với ông: “Ông biết không, người Pháp ngày trước vẫn gọi thị xã Đồng Hới là “Thành phố Hoa Hồng” vì ở đây nhân dân trồng rất nhiều hoa hồng. Ông thích thú: “Thành phố Hoa hồng – cái tên nghe hay quá!”. Trần Công Tấn (Chánh văn phòng Hội sáng tác QB lúc đó – NV) nói theo: “Hiện nay, nhân dân vẫn tiếp tục trồng hoa hồng để giữ truyền thống yêu hoa từ trước đến nay của mình” (Sách đã dẫn – trang 85).

Trong bài báo của Nguyễn Thế Tường còn có thêm một chi tiết (khai thác từ nhà thơ Xuân Hoàng) là: Khi tạm biệt Đồng Hới, Pôrit Pôlêvôi có bài đáp từ, trong đó có nhiều lần dùng cụm từ “Đồng Hới, thị xã Hoa Hồng”. Vậy là đã rõ, do nhà văn Xuân Hoàng nói trong “cao hứng” (văn nghệ sĩ thường hay có những phút “cao hứng” như thế mà. – NV) và nhà văn Trần Công Tấn “nhanh nhẩu nói theo” khiến vị khách Nga không thể không ca ngợi lòng thiện chí yêu cái đẹp của người Đồng Hới mà đã thốt lên “Đồng Hới – thị xã Hoa Hồng”. Để rồi sau đó, cụm từ đó xuất hiện trong nhiều bài viết của không những Xuân Hoàng, Trần Công Tấn mà còn của các cây bút khác như Dương Tử Giang, Nguyễn Đức Tuân, Trần Nhật Thu, Nguyễn Văn Đinh, Lê Thị Mây, Văn Lợi…khi nói về Đồng Hới – Quảng Bình.

“Đồng Hới – Hoa Hồng” kể từ đó, đi vào bao trang sách, để rồi thấm sâu niềm tự hào vào ký ức của bao thế hệ người Đồng Hới.

Hồ Ngọc Diệp (https://donghoi.quangbinh.gov.vn/3cms/dong-hoi-%E2%80%93-hoa-hong.htm)