Cầu Trường Tiền

Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền , là chiếc cầu dài 402,60m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m, được thiết kế theo kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương.

Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền , là chiếc cầu dài 402,60m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m, được thiết kế theo kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương.

Lịch sử, tên gọi cầu Trường tiền

Dưới thời vua Lê Thánh Tôn, sông Hương đã có cầu. Chiếc cầu đó, được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống. Trải bao năm tháng, không biết khi nào, cầu Mống được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát bằng ván gỗ lim.

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm sứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và khởi công xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này (Cầu Thành Thái). Tổng cộng tiền xây cầu Thành Tháitiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng bạc Đông Dương, là một số tiền lớn vào thời đó. Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,10 m, rộng 6,20 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (hay hình bán nguyệt); và hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay.

Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn làm cầu hư hỏng nặng. Hai năm sau, tức năm Thành Thái thứ 18 (1906), chiếc cầu mới được tu sửa lại, và mặt cầu được đúc bằng bê tông cốt thép.

Năm 1907, khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, thì chính quyền thực dân Pháp cho đổi tên là cầu Clémenceau, theo tên của Georges Clemenceau, một Thủ tướng Pháp thời Thế chiến thứ nhất.

Năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu Trường Tiền được trùng tu, cải tạo lớn. Cầu được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp và người đi bộ. Ở hành lang tại vị trí trụ cầu giữa 2 vài có các bao lơn (ban công) phình rộng ra – là nơi nghỉ chân, ngắm cảnh hay tránh nhau.

Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng.

Năm 1946, trong chiến tranh Việt – Pháp, cầu bị Việt Minh đặt mìn, giật sập hai nhịp phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để qua lại. Năm 1953, cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ.

Trong Sự kiện Tết Mậu Thân, trụ 3 và nhịp 4 bị phá hủy, khi quân Mặt trận Giải phóng miền Nam cho giật sập để cắt đường phản công của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, một chiếc cầu phao được dựng tạm lên bên cạnh để nối đôi bờ; rồi cầu được tu sửa tạm thời.

Sau khi kết thúc chiến tranh (1975) cầu được đổi tên thành “Tràng Tiền“; mãi tới năm 1991 cầu Tràng Tiền mới được khôi phục, trùng tu lần nữa. Ở lần trùng tu này do Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhiệm, kéo dài trong 5 năm (1991-1995), có nhiều thay đổi quan trọng, đó là việc dỡ bỏ các ban công ở hành lang hai bên tại vị trí các trụ cầu, lòng cầu (cả đường chính và phụ) bị hẹp lại do phải nẹp thêm hai ống lan can, màu sơn ghi xám thay cho màu nguyên bản từ xưa của cầu là màu nhũ bạc,…

Từ Festival Huế năm 2002, cầu Tràng Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại… và đến năm 2004 cầu lại 1 lần nữa được đổi tên là Trường Tiền

Tên gọi cầu Trường Tiền

Mặc dù trải nhiều tên gọi, nhưng từ rất lâu, cái tên cầu Trường Tiền (vì chiếc cầu nằm gần một công trường đúc tiền, gọi tắt là Trường Tiền của nhà Nguyễn và phố Trường Tiền do vua Thành Thái lập năm 1899) vẫn được người dân quen gọi và đã đi vào nhiều bộ môn nghệ thuật…

Duyên dáng áo dài tím trên cầu Trường Tiền (Ảnh: Internet)

Cầu Trường Tiền: 12 nhịp 6 vài hay 12 vài, sáu nhịp

Theo Từ điển tiếng Việt, cái gọi là vài cầu (hay vì cầu), “là kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó”, còn nhịp cầu cũng theo từ điển này là “khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau”. Theo đó, TS. Trần Đức Anh Sơn cho rằng cầu Trường Tiền thực sự là “mười hai vài, sáu nhịp” chứ không phải là “sáu vài, mười hai nhịp”. Ca dao có câu:

Chợ Đông Ba đem ra góc thành,
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bến đò Ghềnh bắc ngang.

Hay:

Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua,
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hồ đợi khúc âu ca thái bình.

Song đôi khi, để thuận tai, để có vần, có điệu, một vài tác giả dân gian đã đổi từ “mười hai vài, sáu nhịp” sang “sáu vài mười hai nhịp”, như ở câu:

Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Anh theo không kịp
Tội lắm em ơi!

Hoa hậu quý bà châu Á tại Mỹ 2013, Sonya Sương Đặng bên cầu Trường Tiền (Ảnh: Internet)

Dẫn nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Cầu_Trường_Tiền