Nghĩa Trũng Đàn – Nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam
Đây được xem là “nghĩa trang liệt sĩ” đầu tiên của Việt Nam-nơi an nghỉ của khoảng hơn 1.000 người lính Việt áo vải cờ đào- đã ngã xuống trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.
Nằm lặng lẽ giữa bốn bề lau lách, cỏ dại, ở thị xã Quảng Trị nhỏ bé có một khu “nghĩa trang” thật đặc biệt đã tồn tại hàng trăm năm qua. Đó là Nghĩa Trũng đàn- nơi qui táng hài cốt những binh lính Tây Sơn chinh phạt quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789. Đây được xem là “nghĩa trang liệt sĩ” đầu tiên của Việt Nam-nơi an nghỉ của khoảng hơn 1.000 người lính Việt áo vải cờ đào- đã ngã xuống trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.
Nghĩa Trũng là tên gọi của một nghĩa trang được xây dựng vào năm 1872 (năm Tự Đức thứ 25). Năm 1872, Ông Hoàng Hữu Lợi cùng phu nhân đã bàn bạc mua một mảnh đất 7 sào của cư dân làng Thạch Hãn, trong đó, ông bà đã giành riêng 3 sào để lập nghĩa trang và tiến hành cho di dời những mồ mã vô chủ ở bờ sông Thạch Hãn và nhiều nơi khác trong Tỉnh về qui táng.
Địa chỉ: Nguyễn Trãi, phường 3, tx. Quảng Trị, Quảng Trị, Việt Nam
Đây là những hài cốt vô chủ bị lũ lụt của sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định hàng năm bị xói lở và hoàn toàn không có sự liên quan đến huyết thống với gia tộc họ Hoàng Hữu ở Bích Khê – Triệu Long. Cũng chính tại nghĩa trang này, ông Hoàng Hữu Xứng, con trai của ông Hoàng Hữu Lợi và phu nhân Lê Thị Hơn lúc đó đang giữ chức Bố chánh Thanh Hoá đã tiếp ý cha, tìm và đưa về qui táng vào nghĩa trang này nhiều hài cốt của những người đồng hương và các sĩ tử thuộc đoàn quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nằm lại.
Ông đã thuê người cất bốc, thu nhặt hơn 600 bộ hài cốt rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở Nghĩa Trũng. Vào ngày 25 tháng chạp Âm lịch hàng năm, tại Nghĩa trũng luôn diễn ra Lễ tế do Tỉnh hạt Quảng Trị và các quan đầu tỉnh như: Tuần vũ Đào Thái Hanh, Lê Từ thường đứng vai chủ tế. Ngoài những người con của Hoàng tộc ở Bích Khê – Triệu Long thường xuyên chăm sóc hương khói cho nghĩa trang, định kỳ còn có những người của Tỉnh cắt cử và được phong hàm, miễn siêu dịch và được cấp ruộng đất trong đó có 7 sào đất nói trên làm trợ cấp đền đáp công lao phục vụ.
Đúng như tên gọi của nó, Nghĩa Trũng là một nghĩa trang vì nghĩa để chôn cất những nắm xương lạc loài, là di chỉ từ những biến cố thiên nhiên, lịch sử và những thảm cảnh số phận con người. Nghĩa Trũng hiện nay toạ lạc trên khu đất ruộng của làng Thạch Hãn, thuộc khu phố 8, Phường 3, thị xã Quảng Trị. Nghĩa Trũng được xây dựng trên khu đất rộng lớn có chiều dài 70m, chiều ngang 17m và chiều cao 1m so với mặt ruộng, đây là nơi yên nghỉ của hơn 1000 hài cốt vô danh. Bên cạnh khu đất mà ông bà Hoàng Hữu Lợi đã qui táng, Ông còn cho xây dựng thêm công trình khác đó là Nghĩa Trũng Đàn.
Nghĩa Trũng Đàn là nơi thờ cúng các vong linh cô hồn, Nghĩa Trũng Đàn bao gồm các hạng mục như: 2 chánh điện, 2 bàn tã hữu, 1 bàn Hội đồng kết liền với Hương án chính ở phía trước. Trước mặt tiền là tấm Bình phong và có thành bao bọc xung quanh, chỉ chừa một lối ra vào ở chính diện, hai bên có 2 trụ lung cao vượt lên.
Vị sáng lập ra Nghĩa Trũng là một Bô lão làng Bích khê – Triệu Long có tên Hoàng Hữu Lợi. Hoàng Hữu Lợi tự là Hoà Nghĩa, hiệu là Ngu Hồ Tiên Sinh, ông sinh ngày 24.12.1809 năm Kỷ Tỵ (Gia Long thứ 8), mất ngày 26.03.1876 năm Bính Tý (Tự Đức thứ 29) là một con người nho học uyên thâm, là thầy dạy hầu hết con cháu trong gia đình mà về sau đều là những tài năng xuất chúng, đỗ đạt cao, đức hạnh tốt đem tiếng thơm cho dòng họ, làm rạng rỡ tông môn, ông là một vì sao sáng chói của dòng họ về kiến văn, tài năng và đức hạnh. Chính vì vậy, năm 1898 Ông Hoàng Hữu Lợi đời 16, Hoàng tộc Bích Khê – Triệu long đã được Triều Đình Nguyễn ban tặng Sắc phong TRUNG PHỤNG ĐẠI PHU.
Tuy nhiên khi chiến tranh nổ ra, những người con trong Hoàng tộc phải tha hương, lánh nạn mưu sinh nên không còn mấy ai nhớ đến nghĩa trang này. Năm 1972 đúng 100 năm sau khi nghĩa trũng được xây dựng, cuộc chiến đấu của nhân dân ta với Mỹ – Nguỵ bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt. Cùng với thời gian, sự phong hoá của thiên nhiên, và đặc biệt là sự huỷ diệt của bom đạn Mỹ- Nguỵ trong 81 ngày đêm tái chiếm Thành cổ Quảng Trị nên các hạng mục công trình của Nghĩa Trũng gần như bị sụp đỗ hoàn toàn.
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn và kế thừa sự nghiệp của cha ông, năm 1990, Ông Hoàng Hữu Dai, con trai thứ tư của Cụ Hồng Lãng Hoàng Hữu Thãng và Bà Phan Thị Truy, là cháu đích tôn của Ngài Hiệp Biện Đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng đã vận động con cháu nội ngoại đóng góp để sớm phục hồi di sản đạo lý của tổ tiên. Đến ngày 01.04.1994, công tác tái thiết Nghĩa Trũng của con cháu Hoàng tộc được khánh thành với sự tham dự của đông đảo con cháu trong dòng họ và cư dân làng Thạch Hãn. Hai năm sau, ngày 25.8.1996 nhằm ngày Lễ Vu Lan năm Bính tý, ngày mà dân gian gọi là ngày Lễ “Xá tội vong nhân”, công tác chỉnh trang đợt II được lạc thành với 2 công trình lớn: 2 tường rào ở phía đông và phía tây có tổng chiều dài 34m, ở vị trí trung tâm khu mộ đặt một Văn Bia, phụng soạn Văn bia này là Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường (đời 16, gia tộc họ Hoàng).
Xem tiếp bài viết: http://quangtri.org.vn/nghia-trung-dan-nghia-trang-liet-si-dau-tien-cua-viet-nam-du-lich-quang-tri/
{loadposition adslogo}