Dòng Biển Đức Thiên An, Huế

Đan Viện Thiên An có kiến trúc độc đáo, tọa lạc giữa rừng thông Thiên An xanh mát, là nơi cầu nguyện và lao động của các tu sĩ dòng Biển Đức. Là địa điểm tham quan du lịch độc đáo khi bạn đến Huế.

Ngày 25-01-1935, Đan phụ Fulbert đã phái cha Wandrille Carrière sang Việt Nam thăm dò để thành lập đan viện.

Ngày 12-10, cha Wandrille chọn sở đất Miévelle ở Đà Lạt và tháng 11-1935, Đan viện La Pierre Qui Vire (Pháp) quyết định mua sở đất 40 ha này với giá 15.000 tiền Đông Dương để lập một Đan viện…

DÒNG BIỂN ĐỨC

 1. Nguồn gốc, tiểu sử vị sáng lập Dòng.

Dòng Biển Đức (Ordo Sancti Benedicti=Ordre de Saint Benoit=Order of Saint Benedict=OSB) đã hiện hữu từ đầu thế kỷ thứ VI do thánh Biển Đức sáng lập.

Thánh nhân sinh khoảng năm 480 tại Nurcia, Italia. Vốn là con của một gia đình trung lưu. Khi đang là sinh viên theo học tại Rôma, ngài đã sớm trốn khỏi nơi xa hoa tráng lệ đầy những truỵ lạc này, để rút lui vào đồi núi sống đời cô tịch. Ngài đến ẩn tu tại Enfidc, sau đó đến sống hoàn toàn biệt cư trong một hang động ở Subiacô suốt 3 năm, chỉ nhờ một đan sĩ tên là Romanô thỉnh thoảng đem đến cho ngài ít lương thực để sống. Sau 3 năm, các mục đồng tìm thấy ngài, rồi dần dần “hữu xạ tự nhiên hương” nhiều người đã xin ngài hướng dẫn thiêng liêng, một số xin ở lại thọ giáo. Về sau số người đến tu quá đông, ngài đã lập 12 đan viện nhỏ theo một quần thể bên cạnh nhau ở Subiacô.

Vào khoảng năm 529, ngài giao các đan viện ở Subiacô cho một số đồ đệ, rồi ngài cùng một số môn đệ khác tiến về miền Nam cách Rôma 60 cây số lên trên đỉnh Monte Cassinô lập một đan viện, và tại đây ngài đã soạn thảo bản Qui Luật mang tên ngài. Bản qui luật này sau đó được Đức Giáo Hoàng Grégôriô Cả phổ biến, nó nhanh chóng được nhìn nhận như là “Cách diễn tả tuyệt tác và thực tiễn nhất sự khôn ngoan cổ truyền của đời sống viện tu,” bởi vì Qui Luật của ngài mang tính Tin Mừng.

 2. Hội Dòng Biển Đức trên thế giới.

Hiện nay Dòng Biển Đức có 20 Đan Hội, đan hội Subiacô là một trong 20 đan hội; Đan Hội Subiacô trên toàn thế giới có 1154 đan sĩ (khấn trọng và khấn tạm), hiến sinh (oblat) 15, tập sinh 76, tổng cộng là 1245 đan sĩ, có mặt trên khắp năm Châu. Đan hội Subiacô chia thành 9 Tỉnh Dòng, và mỗi Tỉnh dòng lại có các đan viện. Bề trên Tổng quyền của Dòng Biển Đức là Cha Thống phụ (Abbé Primat); đứng đầu Đan hội là Đan phụ Chủ tịch (Abbé Président); đứng đầu Tỉnh dòng là Tỉnh phụ (Abbé Visiteur) và đứng đầu đan viện là Đan phụ hoặc Đan trưởng.

Tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam thuộc Đan hội Subiacô. Theo Hiến pháp của đan hội Subiacô, Đan phụ Chủ tịch sẽ thăm viếng các tu hội theo định kỳ ba năm một lần.

 3. Linh đạo hay những đặc nét của Hội Dòng.

Gồm: cử hành các giờ kinh Phụng Vụ; cầu nguyện cá nhân và đọc sách thiêng liêng (lectio divina); lao động trí óc và chân tay; đón tiếp khách, đặc biệt khách tĩnh tâm; biệt thế và thinh lặng; đời sống cộng đoàn và nội vi; hoán cải không ngừng và khổ chế.

 4. Châm ngôn của Dòng Biển Đức :

Cầu nguyện và lao động (Ora et labora).

 5. Đặc sủng:

Chiêm  niệm và cầu nguyện cho Giáo hội và thế giới.

 6. Bổn mạng Hội Dòng:

Lễ thánh Biển Đức 11/7.

  B. DÒNG BIỂN ĐỨC THIÊN AN, HUẾ

 1. Lược sử.

Ngày 25-01-1935, Đan phụ Fulbert đã phái cha Wandrille Carrière sang Việt Nam thăm dò để thành lập đan viện. Ngày 12-10, cha Wandrille chọn sở đất Miévelle ở Đà Lạt và tháng 11-1935, Đan viện La Pierre Qui Vire (Pháp) quyết định mua sở đất 40 ha này với giá 15.000 tiền Đông dương để lập một đan viện…

Tháng 04-1938, Đan phụ Fulbert cử cha Dom Romain Guilauma sang Việt Nam để làm bề trên nhà ở Đà Lạt. Nhưng vì nơi đây hiếm ơn gọi, nên cha Romain quyết định về lập đan viện tại Huế. Còn cơ sở Đà Lạt sau này bán cho các nữ tu Franciscaines.

Cha Romain đến Huế vào tháng 04-1940, sau khi thăm dò ngài đã mua một sở đất rộng 40 ha, với giá 40.000 quan Pháp. Sau đó khai khẩn thêm nâng tổng số đất Thiên An lên 107 ha.

  2. Ngày thành lập và bổn mạng

Ngày 10-06-1940, nhằm ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cha Romain và cha Corentin dâng thánh lễ đầu tiên thành lập Dòng, dưới mái nhà tranh mà Đức Khâm Sứ Drapier làm phép hôm trước. Các vị sáng lập đã chọn Thánh Tâm Chúa Giêsu làm bổn mạng của Đan viện.

Sở dòng mới tên là Thiên An (bình an của Thiên Chúa), toạ lạc thôn Cư Chánh (chốn lý tưởng), huyện Hương Thuỷ (nước thơm), trong tỉnh Thừa Thiên (Phúc Trời).

Như vậy, từ ngày 10-06-1940 hai đan sĩ Đan viện La Pierre qui Vire, Pháp, là cha Romain Guillaume và cha Dom Corentin thành lập Đan viện Thiên An, Huế. Sau đó các đan sĩ Đan viện Thiên An tiếp tục thành lập thêm 3 Đan viện khác nữa: đan viện Thiên Hòa ở Ban Mê Thuột (1962), đan viện Thiên Bình ơ Đồng Nai (1970) và đan viện Thiên Phước ở Thủ Đức Sài Gòn(1972), tất cả đều thuộc Tỉnh dòng Pháp.

Năm 1988, các Đan viện Việt Nam tách khỏi Tỉnh dòng Pháp, lập thành Tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam, với bề trên Giám tỉnh tiên khởi là cha Tađê Phạm Quang Điện, Đan phụ Đan viện Thiên Bình.

Năm 1993, đắc cử Bề trên Giám Tỉnh là cha Têphanô Huỳnh Quang Sanh, Bề trên Đan viện Thiên An, Bề trên Giám tỉnh năm 1993 và làm Đan phụ từ năm 1998 cho đến nay.

  3. Số nhân sự

Cha Đan Phụ Chủ Tịch Brunơ, cha Đan phụ Luca và Cộng đoàn Thiên An năm 2008

Hiện nay Đan viện Thiên An có tất cả 76 thành viên, trong đó có 7 linh mục, hai đang du học Pháp, một đã nghỉ hưu tại Hoa Kỳ; 33 khấn sinh trọng, 26 khấn sinh tạm, 12 tập sinh và 5 thỉnh sinh.

Bề trên đương nhiệm là Cha Đan Phụ Têphanô Huỳnh Quang Sanh. Ngài sinh năm 1940, chịu chức linh mục 1972, bề trên đan viện từ năm 1984, Tỉnh phụ 1993, Đan phụ 1998.

  4. Điều kiện tuyển chọn:

Có sức khỏe tốt; tốt nghiệp lớp 12 trở lên; có tinh thần tìm kiếm Chúa trong thinh lặng, cầu nguyện và lao động, được thể hiện trong việc ham thích Thần vụ, ái mộ vâng phục, vui chịu thử thách (QL 7,5).